Kiến thức cơ bản về phân bón

1. Khái niệm phân bón:

 

Phân bón là tên gọi chung của những chất hay những hợp chất chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng khoáng cần thiết được bón vào đất, phun lên lá nhằm mục đích cung cấp dinh dưỡng (thức ăn) cho cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe manh, xanh tốt, đạt năng suất cao và chất lượng tốt hoặc thay đổi các tính chất đất giúp đất đai phì nhiêu, màu mỡ,….

2. Phân loại:

 

Phân bón được chia làm 2 loại chính: phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ.

 

2.1. Phân bón vô cơ:

 

– Phân bón vô cơ (phân bón hóa học) là những loại phân bón dưới dạng muối khoáng sản xuất theo quy trình công nghiệp được bón cho cây trồng có chứa các nguyên tố dinh dưỡng khoáng cần thiết nhằm cung cấp dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

a. Phân loại phân bón vô cơ:

– Phân bón vô cơ được chia làm các nhóm :Phân đơn và phân hỗn hợp.

– Phân đơn là sản phẩm phân bón chỉ chứa một chất dinh dưỡng khoáng như Đạm (N) , Lân (P) hay Kali (K).

– Phân hỗn hợp là những loại phân bón có chứa từ 2 chất dinh dưỡng khoáng trở lên như phân NPK; DAP; ….

b. Ưu nhược điểm của phân bón vô cơ :

*Ưu điểm:

– Tỉ lệ dinh dưỡng cao, có hiệu quả nhanh do dễ hòa tan nên cây trồng dễ hấp thu.

*Nhược điểm:

– Thành phần chứa ít các nguyên tố dinh dưỡng cho cây trồng.

– Dễ bay hơi, nhanh tan, dễ bị rửa trôi làm thất thoát phân bón và gây lãng phí về tiền của.

– Bón lâu năm, bón nhiều đất sẽ bị thoái hóa, chai cứng, độ pH giảm làm chua đất, tích tụ kim một số loại nặng trong đất.

– Tiêu diệt làm giảm mật độ vi sinh vật có lợi trong đất. Làm ô nhiễm môi trường.

– Dư thừa các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi.

– Phân hóa học làm cây trồng bộc phát nhanh nhưng không bền vững, không lâu dài.

 

2.2. Phân bón hữu cơ

– Một loại phân bón Hữu cơ được người dân ưa dùng

– Phân bón hữu cơ là những hợp chất hữu cơ được sử dụng trong canh tác nông nghiệp có nguồn gốc từ phân động vật, lá, cành cây, chất thải nhà bếp, sinh hoạt, chất thải, chất thải từ nhà máy sản xuất thủy hải sản, than bùn,….nhằm cung cấp các chất mùn, chất hữu cơ để tăng độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất và cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

– Phân bón hữu cơ chứa đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cần thiết để bón cho cây trồng mà không một loại phân bón khoáng (phân bón hóa học) nào có được.

 

a. Phân loại phân bón hữu cơ:

– Phân hữu cơ được chia ra 2 nhóm :phân hữu cơ truyền thống và phân hữu cơ chế biến công nghiệp.

– Phân bón hữu cơ truyền thống là những loại phân có nguồn gốc từ phân động vật, phụ phẩm trong canh tác nông nghiệp,…được chế biến bằng các phương pháp truyền thông như phân chuồng, phân rác, phân xanh,…

– Phân bón hữu cơ chế biến công nghiệp là nhóm phân bón chế biến từ những chất hữu cơ theo một quy trình công nghiệp để sản xuất tạo ra sản phẩm phân bón có chất lượng tốt hơn nguồn nguyên liệu đầu vào như phân hữu cơ, phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân vi sinh, phân bón lá hữu cơ.

 

b. Ưu và nhược điểm của phân bón hữu cơ:

*Ưu điểm:

– Chứa nhiều nhiều các yếu tố dinh dưỡng khoáng đa, trung, vi lượng.

– Bón nhiều, thời gian dài sẽ cải tạo đất đai, tăng độ phì nhiêu, màu mỡ,…làm đất tốt lên, chống xói mòn và rửa trôi các chất dinh dưỡng.

– Thân thiện với môi trường và an toàn với sức khỏe con người.

– Bổ sung và thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển.

– Tạo sự phát triển bền vững cho cây trồng và đất đai.

– Tăng hiệu lượng hấp thu các chất dinh dưỡng cho cây trồng.

– Tăng sức đề kháng sức chống chịu cho cây trồng với sâu bệnh và điều kiện bất lợi.

*Nhược điểm:
– Một số loại phân bón hữu cơ truyền thống có hàm lưỡng dinh dưỡng thấp, hiệu lực chậm và thường sử dụng với lượng lớn, khó vận chuyển. Đặc biệt phân chuồng tươi và chưa ủ hoai mục có nguy cơ mang một số mầm bệnh cho cây trồng và sinh vật (E. Coli, Samonella, trứng giun…) gây bệnh cho con người và khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao.

– Để khắc phục những nhược điểm trên các sản phẩm phân bón hữu cơ chế biến công nghiệp đã ra đời, đã tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng tốt, đầy đủ dưỡng chất cần thiết cung cấp cho cây trồng, thân thiện với môi trường và an toàn với con người.

3. Vì sao phải bón phân cho cây

Tục ngữ có câu

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

hay

“Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”

đã cho thấy vai trò quan trọng của phân bón đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đã được cha ông ta đúc kết từ hàng ngàn năm trước.

Vườn thanh long sử dụng phân bón hữu cơ cho hiệu quả cao, trái sai

Rễ cây hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết từ đất để phục vụ cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, đất đai không thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng, ngay cả trên những mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ, thì việc canh tác vụ này qua vụ khác lâu ngày thì lượng dưỡng chất trong đất bị cạn kiệt dần, đất đai ngày càng thoái hóa , bạc màu.

Vì thế, cần phải sử dụng phân bón để cung cấp thêm các chất dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt cho một vụ mùa năng suất và chất lượng. Ngoài ra, phân bón còn trả lại cho đất lượng dưỡng chất mà cây trồng đã lấy đi, đảm bảo đất không bị thiếu dinh dưỡng cho vụ mùa tới có thể cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển và năng suất.

4. Các dinh dưỡng khoáng thiết yếu

Cây trồng cũng như con người, cây trồng luôn cần có thức ăn trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển. Cây hấp thu các dưỡng chất từ đất đai và phân bón phục vụ cho sự sống của mình. Các chất dinh dưỡng khoáng cần thiết cho cây trồng được phân thành 3 nhóm:

Nhóm đa lượng: là chất dinh dưỡng chính mà cây trồng sử dụng một lượng lớn để phục vụ cho quá trình sinh trưởng và phát triển, gồm có 3 nguyên tố dinh dưỡng : Đạm (N), Lân (P), Kali (K).

Nhóm trung lượng: là nhóm các chất dinh dưỡng cây trồng sử dung với một lượng vừa phải, gồm các nguyên tố dinh dưỡng : Lưu huỳnh (S), Canxi (Ca), Silic (Si), Magiê (Mg).

Nhóm vi lượng: gồm những chất dinh dưỡng : Đồng (Cu), Mangan (Mn), Sắt (Fe), Bo (B), Clo (Cl), Molypden (Mo),….mà cây trồng cần sử dụng một lượng nhỏ.